Và tôi đã chọn

Lượt xem:

Đọc bài viết

Khi còn là một cậu học sinh trung học, tôi đã biết rằng Tây Nguyên chỉ có hai mùa, đó là mùa mưa và mùa khô. Nhưng trong sách giáo khoa không nói rõ cái khắc nghiệt cụ thể của những cơn mưa lầy lội hay những cơn gió bụi nhuộm màu đất đỏ. Tôi đến Tây Nguyên vào một ngày tháng Chín – tháng có những cơn mưa rào bất chợt và cả cái nắng đột ngột như muốn thử thách lòng người.

Tôi đến Tây Nguyên với một tình yêu mơ hồ được hình thành từ đâu đó. Có thể đó là những hình ảnh của núi rừng đại ngàn hùng vĩ cùng những bài ca đậm chất hoang dại mà tôi đã từng xem trên tivi; cũng có thể đó là sự lôi cuốn của những câu chuyện sử thi hào hùng, bi tráng mà tôi đã từng đọc qua sách vở; hay bởi đơn giản là tại tôi muốn được hòa mình trong những vũ điệu hoang dã bên ánh lửa bập bùng dưới mái nhà rông.

Tôi đến đây với bao nhiệt huyết và một chút “chí tang bồng” của tuổi trẻ, như là để được khám phá, được trải nghiệm, được cống hiến,… Tình yêu, nhiệt huyết khi ấy chảy đầy trong tôi – một gã thanh niên ưa thử thách và chưa vướng bận chuyện đời.

Nhưng thực tế cuộc sống mà tôi có được sau bảy năm ở nơi đây không phải lúc nào cũng đẹp như trên tivi, không oai hùng lẫm liệt như những trang sử thi, cũng chẳng lãng mạn như những bản tình ca Tây Nguyên mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã viết.

Nơi tôi đến là một vùng đất có rất nhiều dân di cư, chỉ lác đác một vài bon của người bản xứ. Học trò của tôi nói đủ giọng Bắc, Trung, Nam. Văn hóa đa dạng, đôi khi khác biệt hoặc chưa kịp hòa nhập.

Những ngày đầu đến nơi đây, những câu chuyện sử thi dự định khám phá chưa kịp nghe nhưng tôi đã kịp được kể về những giai thoại của những đồng nghiệp đi trước. Về những người chưa kịp đặt chân đến đã vội quay đi. Về những cô giáo trẻ khóc nguyên cả tháng đầu mỗi khi đêm về. Về câu chuyện nhà vệ sinh của khu tập thể được quây bởi những miếng bạt nơi đồng không mông quạnh mà mọi người vẫn ví von đó là “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, để rồi có người đã phải vội vàng túm lấy miếng bạt khi cơn gió ào qua cuốn bay tất cả, để sau đó là sự lúng túng không biết phải dùng bạt che mặt hay che thân…

Lẽ dĩ nhiên khi tôi đến thì nơi đây đã có chút đổi thay, ít nhất là tôi không phải hòa mình cùng thiên nhiên mỗi khi vệ sinh, tắm giặt như trong giai thoại được kể. Nhưng cuộc sống nơi đây vẫn mang đến cho tôi nhiều thử thách đôi lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Đặc biệt khi chứng kiến những cơn mưa dài rả rích nát cả đất trời, khi phải lội trên những con đường đầy bùn đất đỏ, khi lạ lẫm nhìn những bánh xe máy cuốn đầy sên xích, khi bàn chân cố chà cho sạch chưa được vài phút đã nhuộm vàng.

Có lẽ tôi sẽ không thể nào quên được những buổi đến trường trong những ngày trời mưa, tôi và nhiều đồng nghiệp phải mang theo một đôi giày bỏ vào trong túi nilon treo lủng lẳng bên xe, thậm chí là một bộ quần áo phòng hờ nếu lỡ có ngã xe còn có đồ thay để còn lên lớp. Hay những lần cả người lẫn xe bị quăng xuống rãnh bên đường trên con dốc trơn trượt gần trường, và nhiều lần học trò phải nhảy từ xe buýt xuống phụ giúp kéo xe, kéo cả thầy lên.

Tôi cũng chẳng thể nào quên được cái bụi mù trời nơi đây mỗi khi vào mùa nắng gió. Từng cơn gió lộng, từng đám bụi mù thốc lên rồi thình lình ập đến, khiến cho người ta không kịp nhắm mắt, trông thật thê thảm. Còn phòng ở thì suốt ngày cửa đóng then cài nhưng ngày nào cũng phải vài lần lau dọn. Và khi phơi đồ thì phải canh những cơn “bão bụi”, chỉ cần lơ đãng hay chậm trễ sẽ phải giặt lại, quần áo nhanh chóng cũng bị ố vàng.

Cũng may, nơi tôi công tác là một ngôi trường còn rất trẻ, giáo viên tuổi cũng toàn đôi mươi, hầu hết cũng về từ mọi miền Tổ quốc. Chính vì vậy chúng tôi đã tìm thấy ở nhau nhiều sự đồng cảm, sẻ chia, nương tựa. Chúng tôi vẫn thường động viên nhau để tự tìm lấy một niềm tin, để nhiệt huyết dù có đôi lần bị dập tắt lại bùng lên mà bước tiếp.

Tất nhiên cũng có nhiều người không chịu nổi đã phải rời đi. Vì cuộc sống ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một lối đi nên không thể trách. Nhưng phải chứng kiến sự ra đi lần lượt của nhiều người đã làm ý chí của tôi bị lung lay không ít. Những lúc như thế tôi lại nghĩ về câu nói của cha tôi, cũng là một nhà giáo: “Dù nghề này con có thể không giàu về vật chất nhưng chắc chắn con sẽ rất giàu về tình cảm”. Và tôi nhanh chóng vực dậy tinh thần.

Tôi tự tìm niềm vui trong công việc của mình. Tôi tìm cho mình một phong cách sao cho chững chạc, tự tin khi lên lớp. Tôi trăn trở với các phương pháp tiếp cận bài giảng mỗi đêm. Tôi toàn tâm toàn ý trong mỗi giờ dạy sao cho cuốn hút. Tôi dành nhiều thời gian ngoài giờ cho lớp chủ nhiệm. Tôi muốn thấy một tập thể đoàn kết. Tôi muốn chúng xóa bỏ khoảng cách vùng miền. Cao hơn hết là tôi muốn học trò luôn chờ ngày mới để được đến trường, để được học tập và vui chơi.

Tâm huyết đó tôi cũng tìm được từ những đồng nghiệp khác. Chúng tôi nghĩ phương pháp tốt nhất là các hoạt động Đoàn. Dù không phải người hoạt ngôn nhưng tôi cũng tích cực tham gia. Chúng tôi thấy rằng nhiều học sinh vì áp lực chuyện học hành mà chán nản, do vậy Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động để chúng thoải mái và tự tin hơn. Chúng tôi tâm niệm “học mà vui, vui mà học”. Tiếng nói chung có được phải chăng do chúng tôi đều còn rất trẻ và khát khao cống hiến?

Chúng tôi đã không quản thức trắng đêm trên văn phòng nhà trường để thiết kế chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cho học trò đấu loại hàng tuần. Chúng tôi chẳng ngại nhịn cơm, ăn vội tô mì tôm để tô tô, kẻ kẻ cho chương trình “Rung chuông vàng” và chạy thử chương trình để đảm bảo không còn sai sót vào tối trước ngày diễn ra. Chúng tôi cũng chẳng quản ngại vào rừng chặt tre, dựng trại cùng học sinh trong dịp 26/3 hay bỏ thời gian đi tập văn nghệ cùng lớp chủ nhiệm trong dịp 20/11. Dù chúng tôi biết học trò tự làm được nhưng muốn chúng thấy rằng mình luôn ở bên. Tình đồng nghiệp, tình thầy trò chúng tôi được hình thành nên từ những điều như thế.

Và đến bây giờ bảy năm đã trôi qua. Từng lớp học trò trưởng thành và ra đi, có cô, có cậu giờ còn là đồng nghiệp. Nhiều người lập nghiệp ở thành phố cũng có người chọn trở về mảnh đất cao nguyên này. Nhưng mỗi dịp lễ đến, tết về chúng lại tụ họp về đây. Hạnh phúc nào hơn thế. Đó là những tài sản quý giá nhất trên đời mà tôi có được. Câu nói của cha tôi ngày nào giờ tôi đã có thể cảm nhận nó một cách trọn vẹn nhất. Và mỗi khi đêm về, lỡ suy niệm về đời mình có chen ngang vào trang giáo án, tôi lại thầm đọc lên câu thơ của Đoàn Vị Thượng:

“Mỗi nghề có một lời ru,

Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này”.

Nghĩa Thắng, 12/10/2014

Lê Mạnh Hà

(Viết cho ngày kỷ niệm 10 năm thành lập trường)