Giới thiệu
Trường THPT Nguyễn Tất Thành được thành lập theo Quyết định số 616/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, về việc thành lập trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, huyện ĐăkR’Lấp, tỉnh Đăk Nông. Trường được thành lập trên cơ sở tách ra từ trường THPT Phạm Văn Đồng ở thị trấn Kiến Đức, huyện ĐăkR’Lấp, tỉnh Đăk Nông.
Trụ sở nhà trường đóng trên địa bàn thôn Quảng Chánh, xã Nghĩa Thắng. Địa bàn tuyển sinh của nhà trường gồm 05 xã: Hưng Bình, ĐăkSin, Đạo Nghĩa, Nghĩa Thắng và Nhân Đạo. Đây là những xã thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Hầu hết người dân đều làm nông nghiệp, đời sống đang còn có nhiều khó khăn.
Khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 09 lớp với trên 300 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 19 người, trong đó có 01 hiệu trưởng (T. Nguyễn Khắc Mãnh), không có phó hiệu trưởng, 15 giáo viên và 03 nhân viên. Cơ sở vật chất ban đầu của nhà trường do Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh xây tặng cho huyện nhà ĐăkR’Lấp. Bao gồm 21 phòng học, 02 phòng chức năng, 01 hội trường, 14 phòng nhỏ làm các phòng hành chính-văn phòng và các tổ chuyên môn. Hệ thống tường rào làm bằng lưới thép tạm.
Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động của nhà trường là 60 người. Trong đó, cán bộ quản lý 04 người, giáo viên 49 người, nhân viên 05 người, 01 hợp đồng theo Nghị định 68 làm bảo vệ và 01 hợp đồng thỏa thuận công việc làm bảo vệ và phục vụ. Bình quân hàng năm nhà trường có 22 lớp với trên dưới 900 học sinh. Học sinh dân tộc thiểu số của trường hàng năm chiếm tỉ lệ trong khoảng 5 – 10 % tổng số học sinh của nhà trường. Đội ngũ giáo viên của nhà trường trong 10 năm đầu thường xuyên có sự thay đổi, nhiều giáo viên về công tác được 01 hoặc 02 năm rồi xin thuyên chuyển đi nơi khác. Tính đến năm 2018, nhà trường có trên 30 giáo viên xin chuyển công tác về các đơn vị mới trong và ngoài tỉnh. Trong 05 năm trở lại đây cơ bản đã ổn định. Đa số giáo viên của nhà trường đều có ý thức trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình ở nhà trường. Đồng thời, giáo viên nhà trường không ngừng tự học, tự bồi dưỡng và trau dồi chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tham gia đầy đủ các cuộc thi, hội thi, viết sáng kiến… Nhờ đó nhiều giáo viên ngày càng vững vàng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục của mình.
Cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay đáp ứng cơ bản đủ cho 22 lớp học và các trang thiết bị tối thiểu của một trường trung học phổ thông. Đến nay, hệ thống tường rào đã được xây kiên cố, đã có nhà đa năng, khu giáo dục thể chất, thư viện và các phòng học bộ môn đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Về loại hình đơn vị sử dụng nguồn kinh phí hoạt động: Căn cứ Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, về việc phân loai đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2019-2022, trường THPT Nguyễn Tât Thành là đơn vị sự nghiệp kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.
Về xếp hạng trường: Căn cứ Quyết định số 755/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, về việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 2193/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, về việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trường THPT Nguyễn Tất Thành xếp hạng I (Một).
Về chế độ phụ cấp khu vực: căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc, về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực, trường THPT Nguyễn Tất Thành được hưởng phụ cấp khu vực mức 0,4 (khu vực của vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo…).
Cùng với thời gian, nhà trường đã ngày càng nâng cao được chất lượng dạy và học. Nhiều năm liền nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học” (Năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen số 3235/QĐ-BGDĐT, ngày 29/8/2018; Năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2018-2019”, theo Quyết định số 2607/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 8 năm 2019; Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, theo Quyết định số 3025/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 9 năm 2021 …). Nhà trường đã có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia (thầy Lê Văn Thắng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi tại Hội thi giáo viên dạy giỏi môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh cấp trung học phổ thông toàn quốc lần thứ 2, năm 2017. Quyết định số 3176/QĐ-BGDĐT, số giấy chứng nhân 45). Giáo viên của nhà trường có người đã có bài viết về nghiên cứu chuyên môn đăng ở tạp chí (Giáo viên Bùi Thị Như Quỳnh bộ môn Ngữ văn, có bài đăng ở tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 86 (147) tháng 5 năm 2018. Nội dung: “Một số nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến sự hình thành ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh” trang 13 đến 17. Ngoài ra, nhà trường có giáo viên đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh vào tháng 12 năm 2021 do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức (Thầy Nguyễn Tri Đức với đề tài “ Áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu nông sản hữu cơ xuất khẩu”.
Có thể nói rằng, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trải nghiệm thực tế luôn được nhà trường quan tâm, xây dựng để trở thành một trong những mặt mạnh, nổi bật của nhà trường. Việc nhà trường tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm thực tế, các hoạt động sinh hoạt tập thể cũng là một trong những hình thức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Hoạt động này sẽ giúp cho các em thu nhận tri thức từ thực tiễn sinh động bên ngoài môi trường lớp học. Hình thức giáo dục này luôn tạo cho các em tâm lý thoải mái, vui thích, hứng thú phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Nhà trường có nhiều sinh hoạt tập thể vui tươi, bổ ích sẽ làm cho các em cảm thấy thật sự “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, điều này làm cho các giờ học văn hóa trên lớp của các em có hiệu quả hơn vì các em luôn có tâm trạng vui vẻ, hứng thú. Điều này sẽ giúp cho các em có được những kỹ năng cần thiết để tham gia các hoạt động tập thể sau này khi các em vào đời.
Trong 05 năm trở lại đây, nhà trường đã có học sinh được chọn vào đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (Em Nguyễn Tấn Dũng môn Anh văn năm học 2017-2018, em Lương Hoàng Quân bộ môn Lịch sử năm học 2018-2019). Hàng năm nhà trường đều có các đề tài của học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp cơ sở, cấp tỉnh (Năm 2015-2016, đạt giải ba toàn quốc với mã dự án 13.06 “Xử lý và tận dụng rác thải trong gia đình trồng rau sạch với hệ thống tưới nhỏ giọt thân thiện với môi trường”, của nhóm các em Phạm Lê Thành Đạt và Nguyễn Thị Như Phụng. Năm 2016-2017 nhóm các em Thái Công Sáng, Nguyễn Quốc Thắng đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đăk Nông lần thứ nhất, với sản phẩm: “Xe đa năng phục vụ trong nông nghiệp vùng Tây nguyên”). Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể, hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống là một trong những mặt mạnh của nhà trường trong thời gian qua. Nhà trường đã từng được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm học, trong các năm học 2017-2018 và 2018-2019 (Quyết định số 1448/QĐ-UBND, số sổ vàng 528, ngày 28-08/2019…). Trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc Trung học phổ thông năm 2022, nhà trường có 7/7 giáo viên được công nhận và 01 giáo viên đạt giải nhất.
Hiện nay, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu, xây dựng nhà trường để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vào trước năm 2022.
HIỆU TRƯỞNG
Hoàng Ngọc Tránh