TÌNH YÊU VỚI VĂN HÓA CỦA HỌC SINH THPT NGUYỄN TẤT THÀNH

Lượt xem:

Đọc bài viết

        Đến với Tây Nguyên, là đến với vùng đất đỏ BaZan trải dài bạt ngàn cà phê, cao su, nghe gió kể những lời ca của đại ngàn, cùng say men rượu cần, hòa cùng tiếng cồng tiếng chiêng ngân. Tây Nguyên vùng đất ai đến rồi sẽ chẳng thể nào quên, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đa dạng. Mỗi dân tộc nơi đây có những bản sắc riêng nhưng họ cùng hòa chung trong âm vang của tiếng cồng chiêng để tạo thành không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài khắp 5 tỉnh Tây Nguyên. Ngày nay, cồng chiêng Tây Nguyên không còn là của riêng đồng bào Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào chung của con người Việt Nam khi Ngày 25 – 11 – 2005, tổ chức USESCO chính thức ghi nhận Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

     Và gần hơn, trên mảnh đất Đăk Nông nơi được gọi với cái tên Cao nguyên M’Nông mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng của Người M’Nông.

Cồng chiêng của người M’Nông được đúc bằng hợp kim bao gồm đồng và một số kim loại khác. Những chiếc cồng chiêng quý thường có thêm bạc. Chất lượng âm thanh phụ thuộc vào tỷ lệ hợp kim sử dụng đúc cồng chiêng. Khi mua về, dưới đôi bàn tay khéo léo và những giác quan nhạy bén người nghệ nhân chỉnh chiêng M’nông chỉnh âm thanh hết sức tinh tế bằng nhiều cách khác nhau như dùng búa sắt, dùi gỗ cứng đập vào lòng chiếc cồng, có khi chỉ đơn giản là dùng móng tay vẽ một đường lên mặt trong của chiếc chiêng, … Người M’Nông không làm ra cồng chiêng mà thường mua lại của người Lào hoặc của người Việt. Người M’nông chủ yếu dùng chiêng, bộ chiêng gồm 6 chiếc có kích thước khác nhau. Mỗi chiếc mang một chức năng riêng trong khi hòa điệu và có những tên gọi khác nhau tùy theo từng nhóm địa phương. Tên gọi bộ chiêng 6 chiếc theo thứ tự: Chiêng lớn nhất được gọi là chiêng mẹ; chiêng lớn thứ hai gọi là rênul; chiếc thứ ba gọi thống nhất là n’dơt; chiếc thứ tư gọi là tru, gọi là dua; chiếc thứ năm gọi là trơ chiêng nhỏ nhất gọi là chiêng con. Ngoài ra, người M’nông còn có một chiếc chiêng lớn gọi là Char, giống như chiêng Char của người Êđê nhưng hiếm khi họ sử dụng chiếc chiêng này. mỗi chiếc chiêng mang một thanh âm khác nhau, mỗi âm vang tưởng như khác biệt ấy khi kết hợp với nhau lại tạo nên một bản hòa âm tuyệt vời phải chăng trong bài chiêng ấy chúng tôi nghe thấy lời của cả thiên nhiên đất trời cả tình yêu và cả tiếng lòng của con người nơi đây. Để đánh chiêng người M’Nông dùng nắm tay phải đánh vào mặt chiêng, cùng lúc đó bàn tay trái giữ mặt trong lòng chiêng (lúc bịt, lúc mở). Khi tay phải gõ thì tay trái mở, khi tay trái giơ lên thì tay trái bịt lại để làm nhịp, điều chỉnh âm thanh tạo nên các cao độ, âm sắc khác nhau, khi chiếc chiêng Mẹ vang lên là âm vang kết hợp của những chiếc chiêng còn lại làm nên 1 bản hòa âm, trong dàn chiêng chỉ cần 1 chiếc lệch nhịp thì cả dàn chiêng đều sai bởi thế đánh chiêng không chỉ là sự điêu luyện của kĩ năng mà còn là sự kết hợp, sự thấu hiểu từ tâm hồn. Những bài chiêng đặc sắc của người M’Nông như Pep Kon Jun, ching ngăn, Thơt tinh thoa, Têt tơ Wer, … trong đó bài chiêng ching ngăn là bài chiêng đón khách là một trong những bài chiêng khó đánh nhất.

       Tiếng chiêng của người M’Nông như một dòng suối trong lành hòa chung vào bể lớn văn hóa, tạo ra dòng chảy văn hóa của Việt Nam đa dạng, đặc sắc. Phán ánh đời sống tinh thần, vùng đất, con người, nét văn hoá đặc trưng riêng biệt, độc đáo; vô cùng phong phú của con người M’Nông từ xưa đến nay, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng bền chặt và tiếng chiêng của người M’Nông đang góp phần vào bản sắc văn hóa của đất nước ta. Đặc biệt hơn, cồng chiêng còn mang đến giá trị giáo dục về tình yêu với bản sắc, chăm chỉ, hình thành những giác quan nhạy bén cho mỗi con người, giáo dục lịch sử, văn hoá, vun đắp truyền thống tốt đẹp, giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của mọi người trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Nhóm Yêu văn hóa – THPT Nguyễn Tất Thành