Thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Tên của Người là niềm tự hào của chúng tôi

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

Nhìn lại con đường lịch sử đã qua, trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã chiến thắng ngoại xâm một cách oanh liệt. Đó là một nét nổi bật của lịch sử Việt Nam, là thử thách gay go nhất nhưng cũng là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ta. Đặc biệt thế kỷ XX dân tộc Việt Nam đã viết lên trang lịch sử oai hùng khi đánh bại hai đế quốc hùng mạnh nhất, hiện đại nhất, hiếu chiến nhất đó là đế quốc Pháp và  đế quốc Mỹ. Công lao to lớn đó chính là sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, nhưng người có một vai trò quan trọng, vai trò của một lãnh tụ, một thiên tài kiệt xuất có tác động tiên quyết đến thắng lợi trên chính là chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho dân tộc ta, đồng bào ta những giá trị tư tưởng to lớn, đẹp đẽ, có ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục nước nhà. Sinh thời, Bác đã dành nhiều tâm huyết để phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Bản thân Người cũng đã từng là thầy giáo trực tiếp truyền thụ tri thức cho học trò, lúc đó người có tên là Nguyễn Tất Thành.

Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19/5/1890 Tên khai sinh Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trên quê hương Nam Đàn, Nghệ An giàu truyền thống cách mạng. Trong một gia đình trí thức nghèo yêu nước, cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ hết lòng thương chồng thương con.

Ngay từ nhỏ Nguyễn Tất Thành đã sớm thể hiện tư chất thông minh. Chuyện kể rằng, trong chuyến gia đình vào kinh đô Huế năm 1895 khi đến dãy Đèo Ngang, lần đầu nhìn thấy dãy núi chắn ngang con đường thiên lý, cậu bé Cung đã hỏi cha.

– Cha ơi cha, trên đỉnh núi kia có cái chi vắt ngang qua núi, màu đo đỏ như sợi dây ngoằn nghèo ấy cha.

– Ông sắc trả lời: dây đo đỏ nằm trên dãy núi ngoằn nghèo trên núi ấy là con đường mòn con ạ.

– Ngay lập tức cậu bé Cung chân nhảy lò cò, miệng líu lo:

Núi cõng con đường mòn

Cha thì cõng theo con

Núi nằm ì một chỗ

Cha đi cuối lom khom

Đường bám lì chân núi

Con tập chạy lon ton

Cha siêng hơn hòn núi

Con đường lười hơn con.

Hoặc đi lên đến đỉnh đèo khi nhìn thấy biển lớn và thuyền, cậu bé Cung lại đọc

Biển là ao lớn

Thuyền là con bò

Thuyền ăn gió no

Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trước

Anh nhìn thấy sau

Ta lớn mau mau

Vượt qua ao lớn

Sau một thời gian ở Huế, năm 1900 cụ Nguyễn Sinh Sắc được cử ra Thanh Hóa chấm kỳ thi hương, khi đi cụ Nguyễn Sinh Sắc đem theo người con trai cả, còn Nguyễn Sinh Cung ở lại kinh thành Huế với mẹ, tuy nhiên sau một vài tháng Bà Hoàng Thị Loan trở dạ sinh người con thứ tư đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận (Tự là Tất Danh), Sinh con ra trong cảnh nghèo túng bần hàn và phải lao động quá sức nên bà mắc bệnh và mất vào ngày 10/2/1901 hưởng dương 33 tuổi.

Nghe tin vợ mất cụ Nguyễn Sinh Sắc trở về kinh đô Huế đưa anh em Nguyễn Sinh Cung trở về làng Chùa gửi mẹ vợ chăm sóc giùm rồi trở vào Kinh thi Hội, Khoa Tân Sửu (1901). Trong kỳ thi này Ông đậu phó bảng, sau khi về quê vinh quy bái tổ, ông đã ra kê khai nhân khẩu và khai tên hai người con trai của mình. Nguyễn Sinh Khiêm đổi thành Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Sinh Cung đổi thành Nguyễn Tất Thành, và có lẽ tên Nguyễn Tất Thành bắt đầu có từ đó.

Năm 1906 Cụ Nguyễn Sinh Cung vào kinh đô Huế nhận chức, Nguyễn Tất Thành lại theo cha vào Huế lần thứ 2, tại Huế Nguyễn Tất Thành được học tại trường Quốc Học Huế, tại đây Nguyễn Tất Thành vẫn nổi tiếng là một học sinh thông minh, học giỏi, trong khi học tại trường, Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy cảnh khổ cực, bị bóc lột trăm bề của nhân dân, nhất là nạn sưu cao thuế nặng. Vì vậy Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, sau sự kiện này thực dân Pháp đẩy mạnh đàn áp và đương nhiên Nguyễn Tất Thành cũng có tên trong sổ đen của thực dân Pháp.

Trên hành trình từ Huế vào Sài Gòn trước khi ra đi tìm đường cứu nước, năm 1909, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến Bình Khê, Bình Định thăm thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Thông qua các mối quan hệ bằng hữu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ cụ Trương Gia Mô (Nghè Mô) đưa Nguyễn Tất Thành vào Nam. Mùa Thu năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến trú tại chùa Phước An, được Hòa thượng Bửu Hiền trụ trì chùa chăm sóc. Nguyễn Tất Thành được cụ Nghè Mô giới thiệu với cụ Hồ Tá Bang để vào dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Trường Dục Thanh  (8/1910->2/1911), còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu (chữ viết tắt của Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng Phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng tại Trung Kỳ. Tại đây Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được phân công giảng dạy môn Thể Dục, Hán Văn và Quốc Ngữ, qua các bài giảng Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được học trò quý mến vì thầy thương yêu học sinh hết mực và thầy có cách giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Thầy luôn ân cần căn dặn: “Chữ là mắt, người không có chữ coi như bị mù vậy”, không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả mọi thứ dưới gầm trời này và người không có chữ sẽ mãi mãi là vật bị sai khiến, vật hy sinh cho bọn thống trị, cho nên các trò được ngồi học là phải tự hỏi mình: “Học chữ để nên người, giúp dân cứu nước, hay học để vinh thân phì gia?” Cũng trong các bài giảng người đã kể những câu chuyện về Bà Triệu, Bà Trưng, Chuyện Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo chống xâm lăng hay dạy cho học trò “bài ca yêu nước” có đoạn như sau:

Nước Nam ta từ đời lạc hồng

Mấy ngàn năm khai phá đến nay

Á châu riêng một cõi này

Giống vàng ta cũng xưa nay một loài

Vuông dạm đất ba mươi mấy dạm

Này bạc vàng nhan nhản thiếu chi.

noibanden-truongducthanh3

Truong_Duc_Thanh

Sau gần 9 tháng làm nghề thầy giáo tại trường Dục Thanh – Phan Thiết, một buổi sáng tháng 2 năm 1911 người rời trường, trước khi đi người để lại bức thư có nội dung như sau:

“ Các trò thân yêu! Thầy biết là các trò rất yêu mến thầy. Nhưng thầy không thể ở lại trường Dục Thanh dài hơn nữa, kể thêm cho các trò những bài học, kể thêm những câu chuyện cổ tích, chuyện đời xưa cho trò nghe. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập tự do kêu gọi thầy dấn bước ra đi. Cho nên thầy để lại lời từ giã mà không tiện gặp đầy đủ các em trước lúc lên đường! Thầy ra đi nhưng vẫn hằng mong các em là những trò giỏi của trường, con ngoan của gia đình, ra đường biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người….

Các trò thân mến, thầy đi xa, lòng vẫn nhớ, vẫn gần các trò. Thầy đã không  kịp mua sách, thầy để lại hai đồng bạc góp vào quỹ thư viện trường Dục Thanh của chúng ta.

Chúc các trò tấn tới!

Hồn nước gọi chúng ta lên phía trước”.

Ký tên: Nguyễn Tất Thành.

Ngày 5.6.1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thanh đã lên tàu rời quê hương, bắt đầu cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, trong hành trang không có gì khác ngoài tình yêu nước vô bờ bến. trải qua 30 năm bước chân Người đã in dấu ở rất nhiều quốc gia, lãnh thổ, nhiều châu lục khác nhau. Trải qua biết bao gian lao, khó khăn, vất vả, cuối cùng Người cũng đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để rồi trở về quê hương lãnh đạo cuộc cách mạng của nước nhà. Dưới sự Lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chi Minh và Đảng cộng sản Việt Nam thế kỷ XX cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau to lớn và vĩ đại hơn thắng lợi trước.

Như vậy làm nghề thầy giáo không phải là đích của Bác, nhưng trên chặng đường dài dừng chân lấy sức Bác đã làm nghề thầy giáo và lúc đó Bác có tên là Nguyễn Tất Thành.

nharong3

Bến cảng nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Trường THPT Nguyễn Tất Thành được thành lập từ năm 2004, đóng trên địa bàn xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông không khỏi tự hào vì được đặt tên trường theo tên người thầy giáo vĩ đại như thế.

Để xứng đáng với cái tên thiêng liêng của Người, trong suốt hơn 10 năm qua, thầy và trò trường THPT Nguyễn Tất Thành luôn không ngừng nỗ lực xây dựng trường lớn mạnh bằng việc chú trọng giảng dạy kiến thức kết hợp với giáo dục nhân cách, kĩ năng, đào tạo học sinh thành những con người toàn diện. Các câu lạc bộ, các hoạt động trải nghiệm, các giờ dạy kỹ năng sống, giá trị sống đã đánh thức lòng nhân ái, sự sẻ chia đùm bọc, yêu thương trong lòng các em học sinh. Chính ở ngôi trường này, tất cả các thầy cô đều chăm lo cho học sinh hết mực, thầy cô đã không phân biệt học sinh giỏi và học sinh yếu, thầy cô đã giúp đỡ rất nhiều về vật chất lẫn tinh thần nâng bước những bạn học sinh nghèo hiếu học… thầy cô luôn làm những việc mà khả năng thầy cô có thể làm cho học sinh của mình. Đó cũng chính là trách nhiệm của người thầy đem lại cho mỗi học sinh thân yêu của mình, yêu biết mấy những tấm lòng nhân hậu cùng trách nhiệm mà người thầy trao cho. Cũng từ ngôi trường này đã chấp cánh ước mơ hoài bão cho bao thế hệ học trò đến một chân trời mới tốt đẹp hạnh phúc hơn.

13221478_269073480109834_4879546481790956892_n

Trường THPT Nguyễn Tất Thành – Nghĩa Thắng – Đăk R’lấp – Đăk Nông

Năm học 2016 – 2017 lại bắt đầu. Thầy và trò trường THPT Nguyễn Tất Thành xin hứa nỗ lực phấn đấu hơn nữa để đưa sự nghiệp trồng người tiếp tục nở hoa, kết trái. Thầy và trò nhà trường sẽ dạy và học thật tốt để xứng đáng là mái trường mang tên Bác Hồ vĩ đại, xứng đáng là ngọn cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Đăk Nông.

                                                      Lê Công Tùng