CẢM XÚC NGÀY HÔM ẤY!

Lượt xem:

Đọc bài viết

(1) Hạnh phúc, tự hào, lo lắng và cả hồi hộp….

Chẳng có từ nào có thể diễn tả hết những tâm tư suy nghĩ của tôi ngay lúc này, những ngày qua có lẽ là khoảng thời gian mà suốt cuộc đời này tôi sẽ không thể nào quên được. Chuyện bắt đầu từ vài tuần trước, trường tôi – THPT Nguyễn Tất Thành – triển khai cuộc thi “Nghiên cứu khoa học cấp trường”. Cô trò chúng tôi mới bảo nhau “Mình cũng tham gia thôi! Mà tham gia thì ta làm sản phẩm gì cho hấp dẫn, hay mà phải mới lạ nữa”. Cô hướng dẫn gợi đề tài văn hóa M’Nông nhưng văn hóa là phạm trù rộng và cả nhóm còn đang phân vân chưa biết chọn mảng văn hóa nào thì vô tình cô trông thấy hình ảnh bạn Ánh với bộ trang phục truyền thống của mình trên Facebook cá nhân. Và ý tưởng được sinh ra từ đó, chúng tôi quyết định “Nghiên cứu văn hoá trang phục truyền thống của người M’Nông”. Cảm giác hào hứng được tìm hiểu về nét văn hoá truyền thống cứ sôi sục trong lòng cả nhóm. Cứ hóng đợi đến cái ngày được ra Bon tìm hiểu. Và cuối cùng ngày đó cũng đến. Đó là một buổi sáng chủ nhật (có lẽ đây là ngày chủ nhật đặc biệt, ý nghĩa nhất mà tôi từng trải qua), chúng tôi hẹn nhau đúng 8h30 xuất phát.

Cuộc phiêu lưu được bắt đầu!

Ra đến bon chúng tôi quyết định để xe ở nhà bạn Ánh, cùng đi bộ dọc theo Bon để tiện quan sát. Còn trêu nhau “ Mình giống như khách du lịch ghê!” Trên suốt dọc đường đi là tiếng cười không ngớt. Điểm đến đầu tiên chúng tôi chọn là nhà bác Trưởng Bon – bác Điểu Nhiên và đương nhiên là đã có hẹn bác trước nhé. Chúng tôi được chào đón hết sức nhiệt tình, gia đình bác và cả bác nữa đều thân thiện lắm lần đầu đến nhưng cứ ngỡ đã quen thân từ lâu lắm rồi. Bác cùng chúng tôi ngồi khoanh tròn trên nền chiếu Bác kể cho chúng tôi những câu chuyện, những nét văn hoá truyền thống ngày xưa. Chúng tôi như lạc vào thế giới sử thi. Câu chuyện hấp dẫn khiến không gian im bặt tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe, lâu lâu lại hiếu kì đặt câu hỏi bác lại kể chúng tôi nghe. Nhưng vẫn không quên nhiệm vụ chính “Tìm hiểu nét văn hoá trang phục truyền thống của dân tộc M’Nông”. Cứ như thế chúng tôi đặt câu hỏi còn Bác trả lời.

Và…

Không gian đột nhiên trầm lắng… Khi bác nói đến thực trạng hiện nay. Bác tâm sự “Ngày nay người trong bon biết dệt còn ít lắm, mấy đứa lớn thì đi làm thành phố hết rồi không có ai học dệt ,cả bon mà còn có mấy người biết dệt thôi. Cứ thế này thì bác sợ một ngày nào đó khi mà những người biết dệt không còn nữa, thì không có những tấm thổ cẩm, trang phục cũng không còn”.  Lời tâm sự của bác mà khiến chúng tôi nhói lòng, một nét văn hoá truyền thống được gìn giữ qua hàng thế kỷ kia mà nay sắp phải đứng trước nguy cơ bị biến mất vì thực trạng kia sao. Trong lòng tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến một điều duy nhất “ Làm sao phải làm gì để gìn giữ nét truyền thống ấy, làm sao để mọi người đều biết đến để lưu giữ để bảo tồn, để nó sống mãi…”.

Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề chúng tôi càng quyết tâm hơn mà bảo nhau rằng “Chúng ta phải làm để tài này” Và cái chúng tôi hướng đến cuộc thi không còn là đi cho biết mà thay vào đó chúng tôi đặt lên vai mình một trọng trách lớn, là niềm tin, là hy vọng của bác trưởng bon, là hy vọng của những người dân trong bon.

Về đến nhà chúng tôi bắt tay ngay vào vấn đề: liệt kê, phân tích, tổng hợp những việc cần làm. Tôi và Phi được giao nhiệm vụ thuyết trình, phần còn lại các bạn và cô sẽ lo. Nhận nhiệm vụ tôi vừa vui vừa cảm thấy lo lắng, lo lắng vì sợ không truyền đạt đến cho mọi người hết những ý nghĩa tầm quan trọng của “trang phục truyền thống ấy”. Nhưng càng lo lắng thì tôi lại càng quyết tâm hơn, nghĩ đến lời của bác trưởng bon, lời động viên từ cô, từ các bạn khiến bản thân tôi không cho phép mình sợ hãi.

Chúng tôi làm việc hết công suất tranh thủ thời gian từng chút cho đến từng buổi, rãnh giờ nào là ra quân giờ ấy. Thấy vậy có bạn lại hỏi “Tham gia cái này vất vả vậy Chi, có cực quá không? Biết vậy thì đừng tham gia làm gì cho mệt, để thời gian mà học còn hơn” Tôi chỉ cười mà trả lời “Nhưng nó đáng mà”.

Ngày qua ngày cuối cùng cũng đến lúc chúng tôi “ra trận”. Từ sáng tinh sương – khi trường chưa có ai, cô trò tôi đã có mặt để tập luyện, buổi trưa mọi người vội vã về nhà ăn cơm trưa để lấp đầy cái bụng đói thì cô trò tôi vẫn còn trên phòng hội đồng để cùng dán dán, sửa sửa thiết kế sao cho “Bảo tàng” của mình thật ấn tượng. 12h30 phút, xong nhiệm vụ chúng tôi về nhà ăn cơm. 13h cô trò có mặt để khai mạc. Không khí cuộc thi náo nhiệt vô cùng ai cũng háo hứng để được trình làng những công trình nghiên cứu tâm đắc mà họ đã giày công xây dựng.

Góp mặt cho “bảo tàng mini” của chúng tôi hôm nay có một vài “nhân vật” đặc biệt đó là “Tấm thổ cầm dệt bằng sợi bông, những chiếc lục lạp đồng, vòng sắt, dây lưng đồng, và những đồng xu”. Đặc biệt bởi chúng là những vật vô giá. Với tuổi đời đã gần 100 năm và là những thứ duy nhất của cả Bon, đó như là báu vật của họ – ngày hôm ấy có lẽ chúng tôi là những người giàu có nhất bởi có một kho tàng vô giá. Cuộc thi được bắt đầu với những công trình khác nhau. Khác nhất có lẽ là nhóm chúng tôi các công trình đều hướng đến tính hiện đại nhưng chúng tôi lại quyết định trở về với suối nguồn truyền thống.

“Bảo tàng mi ni của nhóm nghiên cứu

Thang điểm của cuộc thi đưa ra sẽ chấm theo tiêu chí “Mới, sáng tạo, ứng dụng”. Nghe thang điểm thì nhóm tôi nhìn nhau mà khẳng định chắc chắn “ Mình ôm chắc giải 6 rồi khỏi phải lo không có giải”. Tiếng cười khúc khích của cả nhóm vì câu nói đùa mà thật. Đoán trước kết quả là vậy nhưng chúng tôi cũng không thấy buồn. Bởi đến đây mục tiêu cả nhóm không chỉ để được giải mấy, mà chúng tôi hy vọng một điều sẽ giới thiệu cho mọi người cùng biết về những nét văn hoá tuyệt vời, và đặc biệt là “Trang phục truyền thống của người M’Nông”. Và xa hơn nữa là chạm đến trái tim của tất cả những người ở đây, muốn họ hiểu và yêu lấy văn hoá đó. Bởi tôi nghĩ rằng những gì xuất phát từ “trái tim” thì sẽ đi đến “Trái tim”.

Cuối cùng cũng đến phần thi của nhóm tôi. Tôi cố gắng thả lỏng đứng bên công trình của mình, tay cầm micro nhìn xuống bên dưới. Ôi! Chưa bao giờ tôi được đứng trước nhiều người như thế này để thuyết trình và còn có nhiều thầy cô nữa chứ. Nói thật tôi sợ đám đông kinh khủng, bắt tôi đứng trước nhiều người mà nói vài câu thì thà rằng cho tôi nhịn ăn, nhịn uống ba ngày vẫn tốt hơn. Ấy thế mà hôm nay sao “lá gan” của tôi lại “to” hơn thường ngày. Tôi chẳng hề run sợ hay lo lắng mặc dầu lúc bước lên sợ lắm cơ chứ. Thế mới nói nhiều lúc mình cũng chẳng hiểu được mình. Cứ như thế tôi kể mọi người nghe về những đặc điểm “trang phục truyền thống” Và mọi việc đều diễn ra bình thường, cho tới khi tôi giới thiệu đến “Báu vật của Bon” lòng tôi nghẹn lấy thật sự xúc động vô cùng. Xúc động không phải vì được cầm trên tay những món đồ quý giá, mà còn hơn thế nữa những con người đó đã trao cho chúng tôi một thứ mà chẳng có viên kim vương nào trên thế gian này có thể mua được. Đó chính là “niềm tin” – một thứ được xem như là “Báu vật” là “Vô giá” là “duy nhất” là “Cuối cùng” mà họ lại trao, gửi gắm cho chúng tôi những lớp trẻ đi tham gia cuộc thi chỉ với “lời hứa” chúng cháu sẽ cố gắng hết sức mình mang những nét văn hoá truyền thống này đến với mọi người, để lưu giữ, để bảo tồn. Có lẽ “Tình yêu văn hoá dân tộc” trong mỗi trái tim họ phải rất lớn rất mãnh liệt thì họ mới đặt niềm tin vào chúng tôi đến thế. Họ hy vọng nhân cơ hội này mọi người sẽ cứu lấy, sẽ bảo tồn, sẽ phát triển, để nét đẹp tự hào dân tộc sẽ luôn luôn sống mãi. Lần đầu thuyết trình nhưng tôi và Phi lại lựa chọn mạo hiểm chẳng một mẫu giấy trên tay mặc dù biết rằng làm như thế sẽ có nhiều thiếu sót về nội dung. Nhưng lại lựa chọn vì lý do đơn giản chúng tôi đến đây chính là muốn kể, muốn trò chuyện, muốn tâm sự với mọi người bằng tất cả tình yêu xuất phát từ trái tim. Chứ không phải để đọc cho mọi người nghe một cách máy móc.

Phần thi kết thúc với một thứ cảm xúc mà không có từ nào có thể diễn tả được. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nghĩ đến lời đã hứa nghĩ đến những mong muốn được gửi gắm của chúng tôi và những người trong Bon. Mặc dù đóng góp không lớn nhưng bằng tất cả tình yêu chúng tôi mong muốn rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ làm tốt hơn thế nữa.

Kết thúc cuộc thi cho dù kết quả có như thế nào. Đối với chúng tôi cũng cảm thấy hài lòng, tự hào với chính thành quả mà mình đạt được. Sau cùng chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến nhà trường đã tổ chức một cuộc thi vô cùng bổ ích, nhờ đó mà chúng tôi đã làm được những điều mà bản thân chưa bao giờ nghĩ tới. Và một ngàn lời cảm ơn nữa xin gửi đến cô Hường là người cô tuyệt vời đã luôn đồng hành, chỉ dạy chúng em trên suốt hành trình. Hôm nay ngày 5 tháng 11 là ngày tôi sẽ không bao giờ quên…

Tác giả: Liễu Chi – lớp 12a3

           

Cuộc thi Nghiên Cứu Khoa Học của Trường THPT Nguyễn Tất Thành

(2) Cô trò nhà tớ hôm nay có vẻ “dài dòng” rồi!

Nhưng cảm xúc có lẽ không tuân theo quy luật bao giờ, cứ thế chẳng thể đo gang tính giấy. Một cuộc thi thật sự ý nghĩa, bởi đó là nơi chúng tôi được học hỏi rất nhiều. Đúng với hai chữ “Mở mang”. Mỗi công trình là một tâm huyết, là sự sáng tạo và là cả tình yêu. Và đặc biệt nhất của cuộc thi này đó là các bạn học sinh, các em thật sự xuất sắc. Là nét mặt bạn Thiện – sáng lên giấc mơ về “cảm biến”. Là giọng nói lay động “hàng triệu trái tim” của bạn Chi, Phi đưa bao người vào dòng chảy văn hóa. Là nhóm bạn Son với những cuốn sách và những câu chuyện. Là nhóm cô Thoa – cô dễ thương và trò cũng dễ thương. Là hai anh chàng “sạc dự phòng Laptop” đầy thuyết phục nhưng dễ thương bởi sự chân chất. Và bao nhiêu “sự là” mà cô chẳng kể hết. Thương và quý các bạn! Một cuộc thi ý nghĩa – Cho phép cô trò em cảm ơn Ban Giám hiệu đã tạo điều kiện để cô trò được trải nghiệm, cảm ơn thầy Tri Đức đã khơi nguồn sáng tạo, cảm ơn Ban giám khảo và các đội cùng thi đã cùng chia sẻ.

Gửi nhóm của cô – Phần trình bày của nhóm với cô đó là phần thi hoàn hảo nhất bởi cuộc thi này thật sự cả nhóm đã chiến thắng – dù kết quả không cao – Nhưng cô trò đã dồn tất cả tình yêu vào phần thi đó là kết quả mĩ mãn nhất. Cảm ơn các bạn nhỏ đã cùng cô đồng hành. Tụi em là những đứa trẻ tuyệt vời nhất.

                                                Cô Hường – GV Ngữ Văn THPT Nguyễn Tất Thành