Bài phát biểu của Hiệu trưởng nhà trường trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 35

Lượt xem:

Đọc bài viết

– Kính thưa đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông.

– Kính thưa quý vị đại biểu!

– Kính thưa quý thầy, cô giáo!

– Các em học sinh thân mến!

Hôm nay, trong giờ phút thiêng liêng, trang trọng này, nhân dịp nhà trường tổ chức lễ miting kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 35 (20-11-1982 – 20-11-2017) và lễ ra mắt đơn vị thí điểm xây dựng mô hình “Trường học tự quản về an ninh trật tự với mô hình 3 không và camera giám sát”, thay mặt toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà trường, cho phép tôi được phát biểu đôi lời về những giá trị cao đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng có đôi lời phát biểu về mô hình xây dựng trường học tự quản mà nhà trường đã chọn, để thực hiện tinh thần của Nghị định số 80-NĐ/CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ, Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…

Trước hết, tôi xin gởi đến quý vị đại biểu, quý thầy, cô giáo đã và đang công tác tại trường lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Cách đây vừa tròn 60 năm, tháng 8 năm 1957, hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vác-Sa-Va ở đất nước Ba Lan đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Nghị quyết của hội nghị này đã được nhanh chóng phổ biến đến tất cả các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta, nghị quyết này được phổ biến sâu rộng đến các cơ quan quản lý giáo dục, đến tất cả các trường học ở Miền Bắc lúc bấy giờ. Ngày 20 tháng 11 năm 1958, Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên ở Miền Bắc nước ta.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, của cha mẹ học sinh, ngày 20 tháng 11 hàng năm đã được tiến hành trong cả nước. Như vây, ngày 20 tháng 11 lúc đầu xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế, đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống của nhà giáo Việt Nam. Quyết định số 167/HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1982 của Hội đồng bộ trưởng, đã lấy ngày 20 tháng 11 từ năm này làm Ngày Nhà giáo Việt Nam, dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20 tháng 11 đã qua, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các nhà giáo. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó thể hiện được quan điểm của Đảng, của Nhà nước ta về vị trí, vai trò của nhà giáo.

Lịch sử bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc ta đã xuất hiện biết bao những tấm gương sáng chói về đạo làm thầy như: thầy Chu Văn An, Thầy Nguyễn Trãi, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Đình Chiểu. Đặc biệt là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, người mãi là tấm gương đạo đức để chúng ta học tập và noi theo. Các thầy đã luôn tận tâm với nghề, yêu nghề, luôn giữ phẩm chất đạo đức nhà giáo trong sáng với chí khí cao thượng để làm nghề tải đạo. Đó là những người thầy vĩ đại trong nền giáo dục Việt Nam. Tấm gương của các thầy như những ngôi sao sáng chói về đạo làm thầy mà lịch sử luôn ca ngợi. Để trở thành những ngôi sao sáng như vậy là do các thầy đã dạy chữ gắn với dạy người, gắn trách nhiệm với lương tâm nghề nghiệp. Các thầy đã góp phần xây dựng nền móng cho những giá trị đạo đức bất tử của người thầy, đó là lòng yêu nghề, tinh thần học hỏi, thái độ nhất quán, nhân phẩm thanh cao, đời sống thanh bạch.

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Từ thủa xa xưa cũng như hiện nay, cha ông ta luôn coi việc học như quốc kế sinh tồn, hưng thịnh. Do đó, người thầy luôn được xã hội, phụ huynh kính trọng, tôn vinh. Thời phong kiến, “Quân – Sư – Phụ” là bậc thang giá trị đã đánh giá cao vị thế xã hội của người thầy. Ngày nay, thầy giáo được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa.

Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo”, “ăn quả nhớ người trồng cây” từ ngàn đời nay của người Việt Nam, mà còn thể hiện niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với thầy, cô giáo.

“Vì sự nghiệp mười năm thì phải trồng cây

Vì sự nghiệp trăm năm thì phải trồng người”

Lời dạy sâu sắc ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng là lời nhắc nhở ân cần đối với các thầy, cô giáo đang trực tiếp tham gia sự nghiệp trồng người, góp sức to lớn vào việc đào luyện cho đất nước những con người có lý tưởng sống cao đẹp, có tri thức văn hóa khoa học, có khả năng thực hành trong thực tiễn cuộc sống. Lời dạy này nói lên tầm quan trọng của công tác giáo dục thế hệ đời sau mà các thầy, cô chúng ta là những người nhận trách nhiệm hàng đầu.

Để đáp lại tình cảm, truyền thống tốt đẹp của phụ huynh, của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, toàn thể đội ngũ thầy, cô giáo của nhà trường chúng tôi xin hứa sẽ không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nghề dạy học, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh “trồng người” mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà chúng tôi xác định hiện nay, là tập trung mọi nguồn lực để xây dựng trường THPT Nguyễn Tất Thành tiến đến trường đạt chuẩn quốc gia trong một vài năm sắp đến.

– Kính thưa quý vị đại biểu!

– Kính thưa quý thầy, cô giáo!

– Các em học sinh thân mến!

Nhằm ngăn chặn tình trạng các tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào trường học, vào các cơ sở giáo dục, đồng thời để các cơ sở giáo dục phải quan tâm đến việc tự xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngày 17 tháng 7 năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã có những chương trình, kế hoạch, việc làm cụ thể để giúp đỡ các cơ sở giáo dục xây dựng tốt môi trường giáo dục lành mạnh mà Nghị định của Chính phủ đã quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn việc xây dựng chương trình giảng dạy lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; hướng dẫn công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trường học. Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn công an các cấp phối hợp với các cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng, chống vi phạm pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn xử lý các vụ việc bạo lực học đường. Trên cơ sở Thông tư liên tịch đã có số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BCA ngày 28-08-2015, về Hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục. Công an tỉnh Đăk Nông đã trực tiếp xây dựng kế hoạch, chỉ đạo phối hợp với các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Công an huyện ĐăkR’lấp đã có Công văn số 347/CV-CAH ngày 24 tháng 4 năm 2017, hướng dẫn các bước xây dựng mô hình điểm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Ngày 20 tháng 9 năm 2017, Công an huyện ĐăkR’lấp đã có công văn số 869/BCĐ của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc huyện ĐăkR’Lấp, về việc đồng ý cho xây dựng mô hình “Trường học tự quản” về an ninh trật tự ở trường THPT Nguyễn Tất Thành. Nội dung để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục bao gồm rất nhiều nội dung. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục được phép tự chọn ít nhất ba nội dung để triển khai thực hiện tốt nhất trong cơ quan, đơn vị của mình. Đối với trường THPT Nguyễn Tất Thành, gần hai tháng qua, công an huyện ĐăkR’Lấp và công an xã Nghĩa Thắng đã thường xuyên làm việc với lãnh đạo nhà trường, bàn bạc thống nhất việc chọn mô hình để thực hiện tinh thần chỉ đạo của các văn bản nêu trên. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và của nhà trường, chúng tôi đã thống nhất chọn xây dựng trường học tự quản về an ninh trật tự với mô hình lấy tên là “Mô hình 3 không và camera giám sát”.Cụ thể tiêu chí 3 không đó là:

– Không có học sinh sử dụng, tàng trữ các chất kích thích, ma túy, thuốc lá.

– Không có học sinh bỏ giờ học chơi game và không có học sinh nghiệm game.

– Không có tình trạng bạo lực học đường trong trường học.

Được sự hướng dẫn tận tình của công an huyện ĐăkR’Lấp và công an xã Nghĩa Thắng, đến nay nhà trường đã hoàn thành các kế hoạch, đã xây dựng quy chế hoạt động về việc xây dựng trường học tự quản về an ninh trật tự với mô hình 3 không và camera giám sát của trường THPT Nguyễn Tất Thành. Nội dung cụ thể của kế hoạch và quy chế sẽ được các thành viên trong ban chỉ đạo của nhà trường báo cáo tiếp sau đây.

Đến giờ phút này, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo nhà trường, thay mặt ban chỉ đạo của nhà trường xin tuyên bố ra mắt mô hình “Trường học tự quản về an ninh trật tự với nội dung tiêu chí xây dựng là 3 không và camera giám sát của trường THPT Nguyễn Tất Thành”.

– Kính thưa quý vị đại biểu!

Nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 35 (20-11-1982 – 20-11-2017) và lễ ra mắt đơn vị thí điểm xây dựng mô hình “Trường học tự quản về an ninh trật tự với mô hình 3 không và camera giám sát” hôm nay, nhà trường chúng tôi kính mong các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quý bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm, chăm lo, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thầy, cô giáo chúng tôi thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang này.

Thay mặt toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường, chúng tôi xin hứa nguyện đem hết sức mình, đem hết khả năng, nhiệt tình, vượt lên mọi khó khăn để tổ chức thật tốt phong trào thi đua hai tốt “dạy tốt – học tốt”, gắn kết với việc xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an ninh, an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường.

Chúng tôi quyết tâm dành nhiều thành tích cao hơn nữa để không phải phụ lòng mong muốn, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền các cấp, của lãnh đạo ngành giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà và của cha mẹ học sinh của nhà trường.

Cuối cùng, một lần nữa tôi xin kính chúc quý vị đại biểu, quý bậc phụ huynh, quý thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường và toàn thể các em học sinh dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích mới.

Xin trân trọng cảm ơn!

HIỆU TRƯỞNG

Hoàng Ngọc Tránh

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ:

2648-TT-5

2648-TT-6

2648-TT-3

2648-TT-4

DSC03315

2648-TT-2